Đi chùa, nếu không khéo sẽ gây nhân không lành! Tại sao lại như vậy? TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM có kết luận đó sau khi PV Giác Ngộ kể lại chuyện chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng) – nơi Sơn Tùng MTP chọn làm điểm quay MV “Lạc trôi” bị “tàn phá” bởi sự vô ý thức của các bạn trẻ đi vãn cảnh đầu năm.
Tôi cho rằng, đó là hành vi xấu mà những người trẻ đi chùa nên chấn chỉnh để tránh gây ra sự phản cảm cho việc lẽ nên là tốt (đi chùa) của mình. Hình ảnh này cũng phổ biến ở nhiều địa điểm tâm linh khác, là một điều đáng buồn trong hành xử của một bộ phận (không nhỏ) người trẻ đi chùa.
Thiết nghĩ, các cảnh quan nơi tự viện được sự gia tâm kiến tạo của quý Tăng Ni nơi đó, nhằm mục đích tạo nơi thanh tịnh, trang nghiêm để tu sửa tự thân cũng như tạo duyên an bình cho người thưởng ngoạn.
Nên khi bạn tới chùa mà làm hư hỏng kiến trúc, không gian, cảnh quan ở đó – không chỉ phá hoại tài sản của Tam bảo mà còn gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhà chùa, làm cho khách tới sau mất đi những hình ảnh đẹp để chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Xét về mặt văn hóa ứng xử nơi công cộng, đó là hành vi không đẹp, nhất định bị dư luận chê trách.
Về mặt bảo vệ và tôn trọng tài sản chung, đã xâm hại lợi ích của người khác, nên ngay hành vi không biết giữ gìn sự sạch sẽ, trang nghiêm nơi công cộng, nhất là chốn tâm linh, dù vô tình hay hữu ý cũng đều đã hình thành nên cái nhân không tốt.
Đương nhiên, theo quy luật nhân – quả, tất yếu, các bạn sẽ phải nhận những quả tiêu cực trong đời sống của mình. Do đó, tôi mong các bạn trẻ tới chùa cần phải giữ gìn cái chung, đó cũng là giữ gìn sự bình an, tốt đẹp cho chính mình.
* Không chỉ làm lộn xộn, gây hư hại cảnh quan nhà chùa, nhiều bạn trẻ ăn mặc thiếu trang nghiêm khi đi chùa nữa, thưa Thượng tọa…
– Các bạn trẻ hay ngộ nhận rằng, ăn mặc là quyền tự do cá nhân, miễn sao được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, có những phong cách ăn mặc pháp luật không cấm nhưng đặt trong một môi trường văn hóa – tâm linh (như cửa chùa) thì lại không phù hợp, gây phản cảm.
Thông thường, ai tới chùa cũng đều ý thức được rằng, đó là nơi thờ phụng trang nghiêm, cũng là chốn sinh hoạt của tu sĩ – những người quyết tâm từ bỏ đời sống thế tục, có chí nguyện yêu thương tất cả trên tinh thần hiểu biết lớn, nên khi đến đều nghiêm trang từ ý nghĩ, lời nói, hành vi (trong đó có ăn mặc, chụp hình…). Chính hiểu biết và cách hành xử văn hóa như vậy đã tạo ra hình ảnh đẹp, được người khác tôn trọng.
Theo tôi nghĩ, việc ăn mặc chỉ thể hiện bề ngoài của mỗi người, nếu ăn mặc không phù hợp trong một không gian nào đó, nhiều người sẽ đánh giá không tốt về người đó. Giá trị cốt lõi vẫn là hiểu biết, ứng xử có văn hóa, văn minh trong cuộc sống, nhất là nơi công cộng, đặc biệt là văn hóa xếp hàng, việc tôn trọng những cái đẹp, nét truyền thống của dân tộc.
Bản thân tôi luôn cổ xúy các bạn trẻ ăn mặc kín đáo, bên cạnh sự tiện lợi của thời trang hiện đại thì trong những dịp lễ Tết cần sự trở lại của những bộ áo dài truyền thống. Nếu đi chùa mà mặc áo dài thì sẽ đẹp biết bao!
* Nhiều bức ảnh lưu truyền trên mạng còn cho thấy, các bạn trẻ ghi lời cầu nguyện lên cổng chùa hoặc bất cứ đâu, kể cả trái cây trong sân chùa… Thượng tọa có ý kiến gì về hình ảnh này?
– Đó là hành vi không tốt rồi! Thứ nhất, làm hư hại, dơ bẩn không gian chùa, như vậy nhà chùa phải tốn thời gian lẫn tiền bạc để làm sạch. Thứ hai, các loại trái cây cũng là của thường trụ Tam bảo, việc vẽ viết lên đó có thể sau đó sẽ không thể sử dụng được nữa, phương hại tới kinh tế nhà chùa.
Tôi nói thêm, ngày nay có nhiều người bán trái cây chưng cúng đã khắc vẽ hình tượng Phật lên đó, cũng là điều không nên. Bởi vì, sau khi chưng cúng xong, nhiều người không biết xử lý thế nào, nếu cắt gọt để dùng thì vô tình làm hư hình ảnh Phật, Bồ-tát, trên nghĩa bóng của sự tôn trọng Tam bảo – như vậy là làm chảy máu thân Phật. Còn bỏ đi thì lại là hành vi lãng phí thức ăn uống. Để tránh trường hợp này, Phật tử không nên mua những trái cây có khắc hình tượng Phật, Bồ-tát về cúng, chưng.
* Trở lại việc hướng dẫn người trẻ đi chùa cho đúng, tại chùa của mình, Thượng tọa đã làm gì?
– Điều đáng mừng là ngôi chùa tôi trú trì cho tới thời điểm này không có hiện tượng như đã nói ở trên. Có lẽ là nhờ nội quy của chùa nghiêm ngặt, đồng thời, tôi cũng bố trí các chú Sa-di, tập sự xuất gia túc trực tại các lối đi lẫn chánh điện để nhắc nhở việc đốt nhang, lễ Phật cũng như ăn mặc khi vào chùa. Vì thế, những Phật tử trẻ hoặc đạo hữu lớn tuổi đều ý thức được việc giữ gìn sự trang nghiêm, thanh tịnh của chốn thiền môn mỗi khi tới trú xứ của tôi.
* Xin cảm ơn Thượng tọa!